Chương trình học tập
“Tôi nhận thấy nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành giáo dục là giữ vững cho sự sống còn của các phẩm chất sau: một sự tò mò đầy nhiệt huyết, một tinh thần bất bại, một sự theo đuổi kiên trì, một sự sẵn sàng cho việc phủ nhận bản thân một cách sáng suốt, và hơn cả, là một tấm lòng trắc ẩn.”
Kurt Hahn, Nhà sáng lập của UWC
UWC là một tổ chức giáo dục toàn cầu, và mỗi năm UWC nhận hơn 9000 học sinh đến từ hơn 155 quốc gia. Trong đó, gần bốn nghìn học sinh đã hoàn thành chương trình Bằng Tú tài Quốc tế (IBDP), chương trình dự bị đại học cho được công nhận trên toàn thế giới dành cho học sinh từ 16 đến 19 tuổi.
Mặc dù IBDP là chương trình học tập trọng tâm của các trường UWC, nền giáo dục UWC mang lại nhiều giá trị vượt qua những yêu cầu được đặt ra bởi chương trình IB. Với một cộng đồng học sinh và giáo viên vô cùng đa dạng ở mỗi trường UWC - đa dạng từ quốc tịch, văn hoá, ngôn ngữ cho đến quan điểm chính trị - UWC đã nhận thấy một sự cần thiết cho một chương trình học có thể mang lại một sự đa dạng trong suy nghĩ và ý tưởng, giúp học sinh thể hiện được bản thân mình một cách tự nhiên nhất. Cũng vì vậy nên chương trình IBDP đã được trường bổ sung thêm các giờ học về vấn đề trên thế giới và các hoạt động giúp phát triển tư duy phê phán, đồng thời thúc đẩy học sinh hoạt động tích cực hơn về các thách thức ngày nay trên thế giới.
Bằng Tú tài Quốc tế (IB)
Tổ chức IB (IBO) được thành lập vào năm 1968. Ngay từ ban đầu, tổ chức IBO đã hợp tác cùng UWC với mong muốn UWC sẽ tạo dựng một nền giáo dục tiên tiến, đa văn hoá qua việc học qua hành động. Sự gắn kết giữa hai tổ chức vẫn luôn vô cùng bền chặt cho đến nay.
Sau sáu năm đưa chương trình giảng dạy vào nhiều ngôi trường khác nhau, bao gồm UWC Atlantic College tại Wales, chương trình IBDP được chính thức thành lập vào năm 1975. Các giáo trình cho năm tiểu học, năm trung học và định hướng nghề nghiệp đã được phát triển trong vòng 2 thập kỷ qua. Tất cả các chương trình IB đều có mục đích “thúc đẩy học sinh trên toàn thế giới trở thành những người học suốt đời, năng động và thấu hiểu rằng, trong chúng ta, không có ai sai mặc dù tất cả mọi người đều khác biệt.”
Với danh tiếng là “tiêu chuẩn vàng" cho nền giáo dục quốc tế, các chương trình trong tổ chức đang ngày càng gặt hái được nhiều tiếng tăm, đặc biệt là chương trình IBDP. Ngày nay, chương trình này đang được giảng dạy tại 5000 trường với hơn 1.3 triệu học sinh trên toàn thế giới.
Học sinh có thể chọn những môn học nào trong chương trình IBDP?
Học sinh học theo chương trình Tú tài Quốc tế chọn một môn học trong mỗi nhóm học sau:
1. Ngôn ngữ chính
2. Ngoại ngữ
3. Cá nhân & Xã hội
4. Khoa học
5. Toán học
6. Nghệ thuật (thay vì chọn một môn trong nhóm Nghệ thuật, học sinh có thể chọn học một môn nữa trong nhóm Khoa học, Cá nhân & Xã hội hoặc Ngoại Ngữ)
Mỗi học sinh sẽ học 3 môn ở mức độ Cơ bản và 3 môn ở mức độ Nâng cao, mang lại cho học sinh một nền tảng kiến thức sâu hơn và rộng hơn. Các môn học được đưa ra cho học sinh chọn lựa sẽ có thể khác nhau giữa các trường UWC vì sự khác nhau trong trọng tâm học và địa điểm của các trường.
Ngoài sáu nhóm học, học sinh sẽ nâng cao kĩ năng học tập của bản thân qua việc hoàn thành 3 yêu cầu thiết yếu của chương trình Tú tài Quốc tế:
- Bài luận chuyên sâu (EE): Học sinh sẽ tìm hiểu về một chủ đề theo sở thích cá nhân để viết một bài luận nghiên cứu độc lập, qua đó thiết lập kĩ năng viết luận ở mức đại học. Bài luận thường được viết về một chủ đề thuộc 6 nhóm học của học sinh và không quá 4000 từ. Học sinh được một giáo viên giúp đỡ trong việc viết luận và nghiên cứu.
- Lý thuyết về Nhận thức (TOK): Môn học này giúp học sinh nhận thấy bản chất của việc học, nhằm thúc đẩy việc học tập và áp dụng kiến thức một cách nghiêm túc. Học sinh sẽ được đánh giá qua một bài thuyết trình và một bài luận 1600 từ.
- Sáng tạo, Hành động, Phục vụ cộng đồng (CAS): Chương trình ngoại khoá tập trung vào phát triển các kĩ năng xã hội, sáng tạo, hoạt động ngoài trời, và học cách cảm thông với mọi người xung quanh. Học sinh sẽ tham gia các dự án giúp học sinh phát triển các kĩ năng này, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh được gắn kết hơn với các cộng đồng lân cận.
Sự kết hợp của các yếu tố giúp học sinh có được khả năng xử lý và đánh giá thông tin, giao tiếp hiệu quả và xây dựng luận điểm vững chắc, từ đó học sinh sẽ có nền tảng cần thiết cho bậc Đại học và con đường học xa hơn. Thêm vào đó, học sinh có thể áp dụng các kiến thức từ văn hoá của chính mình vào việc học, giúp học sinh có được sự thấu hiểu một cách rõ ràng nhất và kết nối được với mọi người xung quanh.