Trải nghiệm UWC Đông Phi của Quý Linh
Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá từng ngóc ngách của các trường trong hệ thống UWC.
Đây sẽ không phải là những con chữ khô khan về lịch sử trường hay một danh sách các môn học mà sẽ được viết và chia sẻ bởi chính các học sinh/ cựu học sinh đã và đang theo học tại trường. Mỗi bài viết sẽ là góc nhìn cá nhân và hình ảnh UWC trong tâm trí học sinh đó.
Hãy theo chân Quý Linh, khám phá ngôi trường mới nhất gia nhập hệ thống UWC - UWC Đông Phi.
UWC Đông Phi mới trở thành một trường UWC 3 năm trước, nhưng tiền thân của trường là International School Moshi đã bắt đầu dạy IB từ năm 1963. Với bề dày lịch sử lâu đời và là trường dạy IB đầu tiên ở châu Phi, trường đã có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý cũng như kết nối sâu sắc với cộng đồng bên ngoài. Trường có hai khuôn viên cách nhau tầm 100km: Moshi Campus và Arusha Campus, và hiện mình đang theo học tại Moshi Campus, Shanty Town - một thị trấn nhỏ nằm ở dưới chân núi Kilimanjaro nổi tiếng. Thông qua một vài chuyến đi bộ mà bọn mình gọi là hash, do những phụ huynh tổ chức, mình biết được thiên nhiên chỉ tính ở xung quanh trường thôi đã rất đẹp. Bên cạnh khuôn viên trường là một dòng sông, vách đá dựng hai bên lòng sông rất hùng vĩ. Ở đây nhiều cây cổ thụ to lớn, điển hình như cây baobab với tuổi thọ ước tính hàng trăm năm, cùng đa dạng các loài động thực vật. Khu vực cạnh sông giống như một khu rừng nhiệt đới, thi thoảng có các cánh đồng ngô, cà phê, chuối,... xen lẫn giữa cây rừng. Nếu đi xa khỏi dòng nước, ta bắt gặp những sa-van lớn nhấp nhô vài căn nhà nhỏ. Đó là nơi sinh sống của các bộ lạc du cư người Maasai. Khí hậu ở đây khá tương đồng với Việt Nam, với hai mùa mưa, khô xen kẽ nhau. Nhiệt độ khá ổn định và dễ chịu, tầm 25-35 độ C, không có mùa đông lạnh hay mùa hạ nóng gắt như ở nước ta. Mình rất thích thiên nhiên nơi đây vì có đa dạng nhiều loài cây và sinh vật, cũng như người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Các tộc người ở đây đã thực hành permaculture hàng thế kỷ, với những phương thức canh tác như trồng cà phê xen kẽ chuối, cũng như hạn chế sử dụng túi nhựa và sử dụng lại túi vải khi đi chợ.
Hoạt động ngoại khóa đặc biệt của trường là những chuyến Outdoor Pursuits. Học sinh sẽ được khám phá thiên nhiên của Tanzania qua những chuyến leo núi (Peaks), đi bộ đường dài (Plains), lặn biển (Reefs), và đi xe đạp đường dài (Rides). Những chuyến đi này có các độ khó khác nhau, đòi hỏi học sinh phải vượt qua độ khó thấp để có thể tham gia vào những chuyến đi khó hơn. Nổi tiếng nhất là leo đỉnh Kilimanjaro, "nóc nhà" của châu Phi cao gần 6000m trên mực nước biển, được tổ chức vào tháng 10 hằng năm. Ngoài ra học sinh còn có cơ hội nhận được chứng chỉ thợ lặn khi tham gia những chuyến lặn biển nhất định từ cấp độ 3 trở lên. Những chuyến đi này giúp ta học thêm những kỹ năng khi đi “thám hiểm” (expedition): mang gì trong mỗi chuyến đi, và khả năng làm việc nhóm để hoàn thành chuyến đi một cách hiệu quả. Ngoài ra, ở trường còn có rất nhiều hoạt động ngoại khoá để bạn tham gia: từ nấu ăn, nuôi ong,... cho đến MUN, giáo dục giới tính,... Nếu bạn không tìm thấy sở thích của mình, hoặc muốn bắt đầu một hoạt động nào khác, bạn có thể thành lập một câu lạc bộ riêng cho mình.
Cơ sở vật chất là một điểm yếu của trường, bởi trường không được trang bị trang thiết bị hiện đại cho việc học tin học. Chính vì vậy chương trình IB ở đây không bao gồm Computer Science. Cơ sở vật chất cho việc học khoa học và nghệ thuật dừng lại ở mức vừa đủ. Tuy nhiên, cá nhân mình không cảm thấy cơ sở vật chất là một thiếu sót lớn bởi tính chất của các môn học chỉ yêu cầu máy tính cá nhân. Ngoài ra, mỗi phòng học đều trang bị máy chiếu. Nếu bạn thích chơi thể thao thì ở đây có rất nhiều môn thể thao và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục như sân bóng rổ trong nhà, sân bóng tennis, hồ bơi, sân cỏ tự nhiên,... Tinh thần thể thao ở đây rất cao và nhà trường khuyến khích chúng mình tham gia ít nhất một bộ môn nào đó. Hằng năm vào tháng 11, trường sẽ tổ chức Sport Weekends: trong ba ngày các học sinh từ các trường phổ thông trung học lân cần sẽ đến UWCEA Moshi Campus để thi đấu với nhau với rất nhiều môn thể thao như bơi lội, ultimate frisbee, bóng rổ, bóng đá,...
Học tập ở UWC tất nhiên là sinh sống với bạn bè ở những quốc gia trên thế giới. Sự đa dạng như vậy đem đến cho bọn mình sự hiểu biết về các quốc gia và châu lục khác nhau. Ví dụ như ở lớp Chính trị toàn cầu (Global Politics), khi thảo luận về một vấn đề cụ thể ở một quốc gia, bọn mình có cơ hội nói chuyện trực tiếp với bạn bè đến từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó để hiểu sâu hơn về cuộc sống thường ngày cũng như ảnh hưởng mà vấn đề đó mang lại cho họ. Bọn mình cũng thúc đẩy việc tìm hiểu văn hoá của nhau, cũng như tôn trọng văn hoá và tập tục khắp nơi trên thế giới. Việc sống ở Đông Phi cũng là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về vùng lãnh thổ này, về màu sắc văn hoá đa dạng ở đây cũng như vén màn những định kiến của phần còn lại của thế giới về châu Phi. Sống ở đây mình nhận ra được bất bình đẳng, nghèo đói và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc sống người dân bản địa; nhưng cũng nhận ra thiên nhiên ở đây giàu có và hùng vĩ như thế nào. Tanzania cũng có nhiều vườn bảo tồn quốc gia nổi tiếng như Serengeti, Ngorongoro, Manyara, và Tarangire; nơi bọn mình có thể đến thăm, cắm trại cũng như chứng kiến đời sống động thực vật hoang dã.